top of page
Khoảng gần nửa năm trước, cư dân mạng Việt Nam đã sử dụng những lời lẽ nặng nề nhất để thể hiện sự bức xúc đối với thực trạng trẻ em đang bị bạo hành nghiêm trọng. Bố và mẹ kế bạo hành dẫn đến cái chết của con gái 8 tuổi ở TP.HCM, cha đánh con 6 tuổi tử vong ở Hà Nội, bé gái 3 tuổi bị tình nhân của mẹ đóng 10 chiếc đinh vào đầu… Những sự việc thương tâm trên đều xảy ra vào nửa đầu năm 2022.
Hơn ba tháng trước, vào ngày 12/03, bé gái bị đóng 10 chiếc đinh vào đầu đã tử vong. Kẻ thực hiện hành động tàn ác với bé có thể đối diện với án tử. Trên mạng xã hội, rất dễ để thấy không có quá nhiều bàn tán về sự kiện này, và có lẽ cũng không nhiều người nhớ họ đã lên án điều gì hồi đầu năm.
Sau đó vài ngày, vợ Xuân Bắc đã có bài “bóc phốt” việc con mình xem “phim người lớn” lên trên mạng. Việc này lại lần nữa đưa đến những luồng ý kiến trái chiều và bức xúc từ cộng đồng. Một làn sóng phẫn nộ về việc dạy con theo lề thói cũ nổi lên được … một tuần.
Và khoảng hơn hai tháng trước, vào ngày 01/04, cư dân mạng lại lao xao và bức xúc về vụ việc nam sinh cấp 3 nhảy lầu tự tử tại chung cư Văn Phú Victoria - Hà Đông do áp lực học tập. Người ta lại viết nhiều về trầm cảm, về việc dạy con, về áp lực học tập và mối quan hệ gia đình, rồi lại quên lãng chỉ sau vài tuần.
Vào tháng 5 năm 2022, sự việc bạo lực học đường bắt nguồn từ những tố cáo trên mạng xã hội của nữ ca sĩ Trần Hà Thủy (biệt danh Thủy Bi) cho rằng con gái mình (học sinh Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Học viện Mỹ) bị bạn cùng trường bắt nạt và những video lan truyền cho thấy thái độ "cợt nhả" của nữ sinh bị cáo buộc hành hung bạn. Việc này đã gây nên một làn sóng tranh cãi và quan tâm lớn trong xã hội, tác động đến nhiều cá nhân và tổ chức trong cộng đồng, thu hút sự chú ý của truyền thông nội địa và những người trong lĩnh vực giải trí.
Trong những vụ việc trên, có không ít những “bức xúc” và “hồi chuông cảnh tỉnh” từ cư dân mạng. Nhiều sự việc dẫn đến những ý kiến trái chiều, cùng với đó là những màn tranh luận nảy lửa qua màn hình vi tính và điện thoại.
“Nếu gõ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp 10 lần “Ngọc Trinh”, một con số ấn tượng cho một từ có làn da xấu xí như vậy.” (Đặng Hoàng Giang - Bức xúc không làm ta vô can) Ai rồi cũng sẽ bức xúc, nhưng không biết có thay đổi nào xảy đến hay không, hay đơn giản là chúng ta chỉ lãng quên
Dễ bức xúc, dễ lãng quên
Như vậy, liệu cư dân mạng có thực sự nhận thức được việc mình đang “dễ bức xúc, dễ lãng quên” hay chỉ coi đó như một phản ứng thông thường của xã hội? Con người - ở mọi giới tính, mọi độ tuổi dường như đều có một bản năng chung khi đối diện với một sự việc nào đó. Họ cùng chịu tác động từ phía nền tảng công nghệ, dễ dàng bị chi phối bởi cảm xúc.
Bạn Phạm Quỳnh Trang - sinh viên năm nhất khoa Truyền thông & Văn hóa đối ngoại của Học Viện Ngoại Giao chia sẻ: “Bản thân mình cũng đã bình luận vào dưới những bài viết về vụ việc tự sát đầu tháng 4 của một em học sinh. Mình thì cho rằng mỗi đứa trẻ đều có những nỗi đau, và thế hệ đi trước khổ thì không phải thế hệ đi sau cũng phải khổ như thế thì mới nên người. Nhưng mà nếu không được hỏi lại thì mình cũng quên mất mình đã bình luận cái gì luôn! Mình chẳng thấy thay đổi gì được tạo ra bởi bình luận đó cả!”
Cùng một câu hỏi về vụ việc tự sát của em học sinh vào ngày 01/04, cô Nguyễn Thị Tiến - giảng viên trường Đại học Lâm Nghiệp - chia sẻ: “Mình cũng có bình luận dưới mấy bài, nhưng không nhớ gì nhiều. Đại khái là lúc đó cũng xem qua qua rồi chậc lưỡi…”
(Bạn Phạm Quỳnh Trang đang bình luận trên MXH)
Hiện nay, trên mạng xã hội, cũng như với bạn Quỳnh Trang và cô Tiến, công chúng dường như đã lãng quên về những sự việc kể trên, thậm chí cũng không nhớ rằng mình đã bình luận, bức xúc điều gì.
Có nhiều cách để lý giải hiện tượng quên lãng tập thể trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Trong bài viết gây sốt “Bức xúc không làm ta vô can”, tác giả Đặng Hoàng Giang - một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận - nhận định, có một nguồn cơn tâm lý học cụ thể cho việc báo chí và độc giả chỉ thích đọc những tin xấu. “Khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn” - ông viết.
Và chính bởi vì người ta lên tiếng chỉ để khẳng định rằng “tôi vẫn là người tốt”, họ không có nghĩa vụ phải tìm cách đề xuất giải pháp xử lý tiêu cực ngoài việc chỉ trích tiêu cực.
Cách lý giải hợp lý cho hiện tượng này là, bản thân mạng xã hội đã được thiết kế ra để người dùng liên tục quên lãng những gì họ đọc được. News Feed đã thay đổi mãi mãi khái niệm về dòng thời gian. Nếu như trước đây, suy tư về thời gian là hoài niệm về quá khứ, chiêm nghiệm hiện tại và hoạch định tương lai, thì nay nó đã bị thay thế bằng một chuỗi sự kiện nối tiếp nhau. Chính sự quá tải thông tin, những “drama” xảy ra liên tục và được đẩy lên mạng xã hội hàng giờ đã buộc công chúng phải quên lãng sự kiện cũ thì sự kiện sau mới có cơ hội được để ý đến.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng khán giả sẽ không thể nhớ nổi cốt lõi của thông điệp, như diễn biến sự kiện cụ thể, bối cảnh câu chuyện hay bài học rút ra. Đa số năng lực ghi nhớ của họ đã được sử dụng để xử lý và bộc bạch cảm xúc.
Và thường, khi một sự kiện được thổi bùng bằng sự bức xúc, và người ta lao vào lăng mạ nhau mà không cần biết người đằng sau chiếc avatar cũng có một cuộc đời, thì kết thúc thường sẽ là nhục nhã. Và khi ấy, ta chỉ muốn quên sự việc đi càng nhanh càng tốt. Vì thế, khi đọc thông tin, công chúng cần biết giữ khoảng cách với thông điệp để nhìn đa chiều hơn, thay vì để cảm xúc lấn lướt mất khả năng tư duy phê phán.
Hơn hết, nếu vẫn giữ thói quen tiếp nạp càng nhiều thứ trên News Feed vào bộ nhớ càng tốt, thì rốt cục ta sẽ chẳng nhớ được điều gì. Huống chi là tìm cách giải quyết sự việc tiêu cực và thay đổi xã hội. Giải pháp duy nhất là công chúng phải học cách đọc ít đi, cách chọn lọc tin tức và chỉ quan tâm những gì thực sự quan trọng với mình. Thay vì cố gắng xử lý mọi thông tin đến với mình bằng thái độ hời hợt, thì hãy thử theo sát những chủ đề ta thấy thực sự quan trọng với bản thân. Khi đọc một thông tin, hãy tìm ra sự liên hệ giữa nó với đời sống của mình.
Để bức xúc thực sự không làm ta vô can, hãy thử quan tâm một cách thật sâu và kỹ bằng trái tim và khối óc của mình.
bottom of page