top of page
T.S Đỗ Anh Đức “Chúng ta không còn khả năng phản ứng, phản xạ nhiều về các vấn đề xã hội n

    “Trường hợp dễ bức xúc, dễ lãng quên  tất nhiên là có những ảnh hưởng tiêu cực. Nó làm cho con người ta bị chai lì. Hôm nay người ta phẫn nộ về chuyện này, nhưng ngày sau thì phải có câu chuyện gì nặng đô hơn, nghiêm trọng hơn.” 
 

    T.S Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một cuộc trò chuyện và chia sẻ với chúng tôi về góc nhìn và suy nghĩ của ông về chủ đề: “Dễ bức xúc, dễ lãng quên” và cách chúng ta hành xử trên không gian mạng. 


 

     Nhưng tính chất của công nghệ là bao giờ cũng đẩy mọi thứ đi xa một cách thái quá. Ví dụ, giữa chúng ta có thể có một xích mích gì đó cần gặp nhau để hòa giải. Tại sao lại có chuyên gia hòa giải, là để họ giúp đôi bên gặp mặt nhau đúng không? Nhưng khi mình cách nhau bởi một khoảng cách nào đó về không gian hoặc về công nghệ và môi trường, mà xa mặt thì cách lòng, mình rất dễ bị bức xúc. Thế nên ở trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cái gọi là “Exaggeration” - tức là cái phóng đại của công nghệ, nó đẩy những tình cảm đó lên mức tối đa. 


     Ngay cả bản thân chúng ta khi lên mạng cũng đã có sẵn một tâm thế là mình “hóng” thêm câu chuyện gì, chứ không ai lên mạng chỉ để giết thời gian cho trôi qua một cách tẻ nhạt cả. Và nếu như ngày nào không có chuyện, mình sẽ thấy: “Ôi chán quá không có gì để hóng!”. Do bản thân chúng ta có tâm thế đó nên khi mình gia nhập vào cái cộng đồng, mọi chuyện sẽ có tính xúc cảm hơn. 


       Đó chính là lý do công nghệ làm rất tốt những vai trò này. 


       Có nhiều người giải thích bằng những vấn đề như “đấy là xã hội bây giờ nó xuống cấp về đạo đức” rồi “con người ta đã không tin yêu nhau”. Trước kia, người ta nói với các bạn về các phương diện đấy cũng có thể đúng. Nhưng tôi thì nói về cái phương diện về công nghệ, bản thân công nghệ tạo ra một môi trường mà nó kích thích tất cả những xúc cảm của chúng ta. Cho nên người ta lên mạng, người ta dễ bị chi phối, dễ bị tác động bởi các vấn đề đấy, “dễ bức xúc, dễ lãng quên” cũng chính là các nguyên lý đó. 


     Không gian mạng rất rộng và có rất nhiều người tham gia trong đó. Vì thế, những câu chuyện, những thông tin giống như những dòng chảy, nó cứ đến rồi nó đi, lúc nào cũng phải có chuyện để nó “feed” cho sự chờ đợi, sự hóng hớt của mọi người. 


   Gọi là “drama” nên là người ta nhanh chóng, người ta “ào ào”, người ta tập trung vào chuyện này nhưng ngay sau đó người ta sẽ lại dồn sang chuyện khác. Bởi vì dòng chảy đã liên tục diễn ra rồi.

        Trường hợp dễ bức xúc, dễ lãng quên thì tất nhiên là có những ảnh hưởng tiêu cực. Vì nó làm cho con người ta bị chai lì. Hôm nay người ta phẫn nộ về chuyện này, nhưng ngay ngày sau thì phải có câu chuyện gì nặng đô hơn, nghiêm trọng hơn. 


       Nếu như chúng ta chứng kiến những vụ tai nạn, ví dụ như tai nạn giao thông, ngày hôm nay có một người chết, thì ngày mai tin đấy sẽ không bao giờ lên báo nữa mà phải có vài người chết, tức là sự vụ phải nghiêm trọng hơn, tính “drama” của nó càng ngày càng phải cao hơn. Đấy là một hình thức mà có thể nói là con người ta bị tha hóa, chai mòn và lọc lõi đi về mặt xúc cảm. Đây cũng là mặt trái của công nghệ. 


     Một tác động nữa là nó dễ làm cho người ta bị ảo tưởng vì cái trách nhiệm xã hội của họ. Quyển sách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang với tựa “Bức xúc không làm cho chúng ta vô can” và ở phương Tây đã nói đến vấn đề này rồi. Người ta nói đến “chức năng" từ một thế kỷ trước, “dysfunction” - sự phản chức năng của truyền thông nói chung. 


        Tức là nó tạo ra sự u mê trong mọi người - khi mình bày tỏ sự bức xúc ra thì mình nghĩ là mình đã hoàn thành xong trách nhiệm của mình rồi và mình không có hành động gì nữa cả. Ví dụ, mình thả icon phẫn nộ về việc này, việc kia, có thể comment, bình luận vài câu xong thì coi như mình đã hoàn thành xong trách nhiệm của bản thân. 


      Điều này có nghĩa là câu chuyện chúng ta đang nói đây về công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng có một tác động tiêu cực, đó là giảm, thậm chí là đi đến triệt tiêu hành động xã hội, theo đúng tinh thần lý tính là con người phải có hiểu biết xã hội, đóng góp cho xã hội và cải tạo xã hội như chủ nghĩa Marx đã nói. 


       Thế nhưng chính truyền thông làm cho mình trở nên u mê, nó gọi là phản chức năng gây mê. Chúng ta không còn khả năng phản ứng, phản xạ nhiều về các vấn đề của xã hội nữa. Và dần dần nó sẽ làm cho văn hóa của mình ngày càng trở nên thiếu nhân tính, thiếu sự đối thoại để điều hòa các câu chuyện, và cứ liên tục bị đám đông chi phối đến độ không có chỗ cho các suy xét về mặt lý tính, lý trí con người.

     Tôi thì không muốn dùng từ “con dao 2 lưỡi”, nhưng mà truyền thông họ ý thức được điều đó. 


     Nói cho đúng thì nó gọi là biên độ truyền thông có thể tác động đến dòng chảy chung của các thông tin xã hội ở trên mạng xã hội. 

       Trong bối cảnh của mạng xã hội bị chi phối bởi nguồn cơn về xúc cảm của các dòng chảy hỗn loạn như vậy, thì vai trò định hướng đến vai trò tác động của báo chí, các cơ quan báo chí hay truyền thông một cách chính thống rất quan trọng để tác động vào trong dòng chảy một cách tích cực. 

     Mạng xã hội của mình gọi là “newsfeed”, mình phải chăm sóc cho nó, phải “feed” cho nó, cho nó ăn. Bây giờ vấn đề là mình cho nó ăn cái gì để cho nó được ăn những đồ tốt, những đồ bổ dưỡng cho sức khỏe. 


    Nói cách khác là truyền thông phải dẫn dắt những cái luồng thông tin cũng như các dư luận tích cực về các vấn đề của xã hội. 

       Đây là một trong những nguyên tắc, hay đúng hơn là bản chất nghề nghiệp của báo chí, đó là báo chí có “conflict” - tức là khai thác sâu vào những cái yếu tố mâu thuẫn, xung đột hay những chuyện khác thường. 


      Nhà báo rất nhạy cảm với những câu chuyện mà họ biết là chuyện này đưa ra thì sẽ rất nhiều người quan tâm, thảo luận và thể hiện thái độ. Cho nên người ta sẽ đẩy cái câu chuyện này lên cực đại. Đấy chính là vấn đề. 


      Đó là khi báo chí thiếu điểm cực độ thì chính bản thân báo chí sẽ trở nên lũng loạn, nó lại tạo ra những cái phản giáo dục của xã hội. Và lúc ấy nó chỉ kích thích scandal mà thôi.

      Giữa nhà báo và độc giả thì cái chuyện mà bức xúc và lãng quên này tôi không nói là ai hơn ai mà tôi sẽ nói về sự khác nhau. 


       Đối với một người dùng bình thường thì sự bức xúc và lãng quên nếu có sẽ mang tính chất bản năng vì họ chịu tác động về môi trường. Ví dụ tôi vào mạng xã hội thấy người ta nói ào ào về câu chuyện này thì tôi bị hút về câu chuyện đó. Nhưng ngày mai tôi đến đây họ lại bàn về câu chuyện khác. Thế là người ta cứ bị cuốn về bên này, sau bị cuốn vào bên kia, nó đi theo những cái dòng chảy trôi dạt như thế, một cách rất bản năng. 


      Nếu nói nhà báo bức xúc và lãng quên thôi thì nó lại mang tính chủ động vì đó là nghề nghiệp của họ, tức là ngày hôm nay họ phải tìm ra câu chuyện nào đó để thu hút công chúng. Nhưng mà người ta biết điều đấy chỉ trong một thời gian nhất định thôi và sau đó họ lại phải săn tìm những câu chuyện khác. Thế nên họ phải quên cái cũ đi để mà họ lại làm cái khác.

       Báo chí cũng vậy thôi, ngày hôm nay, câu chuyện này rất hot nhưng ngày mai hay là trong vòng một tuần hay một thời gian nhất định nào đó thì câu chuyện này sẽ phải đi xuống để nhường chỗ cho những câu chuyện khác. 

        Trước hết là độc giả phải ý thức được về điều này đã. Ý thức được về không gian mạng mà họ đang tham gia và phải nâng cao nhận thức, dân trí của họ lên.


      Thực ra cũng có những điều nhanh hay chậm lại khác nhau ở tùy từng nhóm công chúng cũng như tùy từng cá nhân. Có những người thì sau một thời gian dùng mạng, họ tự rút ra những bài học, họ hiểu biết hơn, họ biết ứng xử với bạn một cách lành mạnh và hiệu quả hơn. 


      Nhưng đồng thời vẫn có những người mà họ hành xử một cách cực kỳ bản năng. Bạn phải hiểu về bản chất, nguyên lý của mạng xã hội: nó có những cái phương diện hữu ích của nó, nhưng đồng thời nó cũng là một không gian rất cực đoan. Nếu như mình không biết kiểm soát sự tham gia của mình, thì mình sẽ bị cuốn theo những dòng chảy cực đoan đấy. 


      Thứ hai, một biện pháp rất tốt đó là một người thì dễ bị dẫn dụ và dễ bị sai lầm, nhưng cộng đồng thì không. Cho nên là tốt nhất, bạn là người khôn ngoan thì nên tham gia vào những cộng đồng, những nhóm Zalo hoặc những người có cùng mối quan tâm, góp ý, cùng nhận thức của mình hoặc kể cả đi theo những nhóm hay những người có ảnh hưởng một cách tích cực để mình theo dõi họ, mình học hỏi ở họ và luôn luôn phải có sự kết nối. 


       Vấn đề mấu chốt ở đây đó là phải khai thác được những sự kết nối có nhiều hiệu quả. Ví dụ như các bạn, khi nóng giận thì rất dễ bị lệch lạc, rất dễ bị “sai đường” và thậm chí là mình rất dễ bị “cyberbully” - bị bắt nạt, nhưng nếu mình có kết nối, mình có bạn bè và người xung quanh, mình là một thành viên trong các hội nhóm thì sự kết nối ấy sẽ mang lại lợi ích, giá trị và nó bảo vệ mình.

       Thực ra đây là câu chuyện động chạm vào bản chất của nghề báo. 


      Ở phương Tây thì trong các trường đào tạo báo chí người ta thường hay đưa ra từ khoá quan trọng nhất là “trách nhiệm” - trách nhiệm của người làm báo, trách nhiệm xã hội của người làm báo. 

       Nhà báo hơn ai hết luôn phải đặt cho mình câu hỏi là khi mình đưa tin có đảm bảo sự cân bằng cho các bên hay không và lấy sứ mệnh phụng sự xã hội để hành động.

      Nhà báo họ có hiểu như thế, nhưng do nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn như họ cũng phải cạnh tranh, họ cũng phải tồn tại, cũng phải thu hút được nhiều người đọc thì mới có nhiều “traffic view”, mới có nhiều quảng cáo. Nhiều khi họ cũng bị cuốn theo các sự kiện, bị yếu tố về thương mại chi phối cả yếu tố về năng lực và nhận thức. 
 

       Ở phương Tây, ví dụ bạn vào BBC, New York Times hay các tờ báo lớn, bao giờ họ cũng có những slogan mà trong đó highlight chữ “trách nhiệm”, trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan báo chí cũng như trách nhiệm của nhà báo đối với xã hội. 


     Ở mình cũng hiểu điều đó nhưng mình lại ít nhấn mạnh vào từ khoá “trách nhiệm”. Chúng ta đề cao những từ khoá như “nhiệm vụ” vì bổn phận của báo chí trong thể chế này là báo chí tuyên truyền và phụng sự nhiệm vụ chính trị. Nó hơi khác nhau ở chỗ đó, ở phương Tây thì họ đề cao trách nhiệm của nhà báo, sự liêm chính của nhà báo. 


       Khi mà bạn ý thức được trách nhiệm của mình, bạn sẽ biết giới hạn của bạn đến đâu và sẽ biết cân nhắc xem viết bài hay đưa tin kể cả góc nhìn cũng như là tần suất tin tức để tác động một cách hiệu quả đến cộng đồng thì nó sẽ hạn chế được những thứ như vậy.

bottom of page